Trang Chủ >>> Thi ONKYO
Bài dự thi ONKYO của Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm
Trong suy nghĩ của tôi, thi viết Onkyo không phải là một cuộc so tài giữa những người khiếm thị chúng tôi. Mà đây là một diễn đàn, trãi qua mỗi năm bận rộn tập đoàn Onkyo vẫn nhớ đến và mở ra diễn đàn này hằng năm để chúng tôi được giao lưu, chia sẻ câu chuyện của bản thân mình nhầm truyền cảm hứng cho không chỉ người khiếm thị mà cả những người muốn tìm hiểu và tham gia vào cuộc sống của chúng tôi. Tôi xin dành lời tri ân đầy xúc cảm của mình dành cho tập đoàn Onkyo trước khi tôi nói về câu chuyện ước mơ của riêng mình.
Họ và tên: Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm
Tuổi: 25
Giới tính: Nữ
Nghề nghiệp: Vận động viên
Tên tổ chức sinh hoạt: Hội người mù quận 11
Địa chỉ thường trú: Số 82, đường 702 Hồng Bàng, phường 1, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh
Chủ đề: Nếu được cho ba điều ước, bạn sẽ ước những gì? Lí do vì sao?
THAY ĐỔI NHẬN THỨC SẼ LÀM NÊN PHÉP MẦU
Trong suy nghĩ của tôi, thi viết Onkyo không phải là một cuộc so tài giữa những người khiếm thị chúng tôi. Mà đây là một diễn đàn, trãi qua mỗi năm bận rộn tập đoàn Onkyo vẫn nhớ đến và mở ra diễn đàn này hằng năm để chúng tôi được giao lưu, chia sẻ câu chuyện của bản thân mình nhầm truyền cảm hứng cho không chỉ người khiếm thị mà cả những người muốn tìm hiểu và tham gia vào cuộc sống của chúng tôi. Tôi xin dành lời tri ân đầy xúc cảm của mình dành cho tập đoàn Onkyo trước khi tôi nói về câu chuyện ước mơ của riêng mình.
Tôi là heo con bé bỏng, ở nhà mẹ tôi vẫn hay gọi tôi và người em gái song sinh của tôi như thế. Vì chúng tôi chào đời khi chỉ ở trong bụng mẹ được 7 tháng, nên chúng tôi là những em bé nhỏ nhắn. Bởi vì sinh ra thiếu tháng và một sự cố không mong muốn sau khi chào đời, chị em chúng tôi đã bị khiếm thị. Dù vậy, tôi vẫn có một tuổi thơ êm đềm và đẹp đẽ bởi vì mẹ và gia đình vô cùng yêu thương tôi và em gái tôi. Bởi thế, tuy bị khiếm thị, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy những mảng màu đen từ cuộc sống cho đến khi tôi bắt đầu đi học...
Tôi học ở một ngôi trường nội trú dành cho những người khiếm thị. Ở trường, tôi và em gái luôn là những đứa trẻ được bạn bè ngưỡng mộ, đôi lúc họ cũng tỏ ra ganh tị với chúng tôi. Không phải vì tôi là một học sinh xuất sắc nổi bật mà bởi vì chúng tôi có cha mẹ biết chia sẻ và yêu thương. Điều mà những đứa trẻ bị khiếm thị nói riêng và khuyết tật nói chung ở các vùng nông thôn quê hương tôi ít có được. Trong suy nghĩ của những người sống ở vùng quê, những đứa trẻ bị khuyết tật là một món quà tồi tệ từ Thượng Đế để trả giá cho những lỗi lầm từ kiếp này hoặc kiếp trước cha mẹ chúng gây ra. Vì vậy mà những đứa trẻ bị khiếm thị mang theo sự tủi thân và xấu hổ của cha mẹ chúng để bước vào đời. Tôi đã cảm nhận được niềm thích thú, ao ước của cô bạn học chung lớp khi sờ vào bím tác gọn gàng xinh xắn mà mẹ đã tết cho tôi. Tôi nghe được tiếng cười giòn giã của cậu bạn học chung trường khi mẹ tôi cầm tay và khen cậu ấy lễ phép. Và chính những người bạn đến dùng cơm ở nhà tôi đã nói rằng tôi thật sự may mắn và họ ước ao được như tôi: Một gia đình không xấu hổ vì có con bị khuyết tật, một người mẹ sẵn sàng làm bạn với những đứa trẻ khiếm thị khác để thêm hiểu con mình. Điều ước đầu tiên đã theo tôi suốt những năm còn đi học nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa hoàn toàn thực hiện được. Đó là biến mất sự phân biệt đối xử, nhìn nhận tiêu cực về những đứa con bị khiếm thị trong gia đình. Ngày nay, khi công nghệ thông tin internet phát triển, các bậc cha mẹ có nhiều cơ hội để tìm hiểu và giúp con mình hoà nhập tốt với xã hội và cộng đồng. Xin đừng xấu hổ vì những đứa trẻ khiếm thị trong gia đình vì đó là hành động góp phần vào việc xoá kì thị đối với người khiếm thị nói riêng và khuyết tật nói chung trong xã hội này.
Đó là điều ước thứ nhất của tôi. Và điều ước thứ 2 loé lên trong đầu khi tôi đã trở thành một vận động viên chạy tốc độ đạt nhiều huy chương tại đấu trường khu vực và châu lục. Tôi đến với thể thao người khuyết tật qua nhiều sự trở ngại. Ở đất nước chúng tôi, thể thao dành cho người khiếm thị nói riêng chưa được phổ biến rộng rãi. Điều đó khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ các tuyển thủ Nhật Bản khi tôi tranh tài cùng họ. Ở Nhật Bản, từ các trang thiết bị hỗ trợ và giáo án huấn luyện cho vận động viên khuyết tật thật tuyệt vời. Tôi ước mong sao trên quê hương tôi, thể thao dành cho người khiếm thị không còn xa lạ nữa. Người khiếm thị có nhiều cơ hội để tiếp cận với thể thao càng nhiều, sẽ cải thiện tinh thần, nâng cao thể chất (đa số người khiếm thị thừa cân vì hạn chế tầm nhìn nên ít vận động). Điều quan trọng chính là thể thao sẽ kết nối người khiếm thị hoà nhập vào cộng đồng những người trẻ từ việc họ làm tình nguyện viên hỗ trợ người khiếm thị tập luyện và thi đấu (như việc làm một guide runner cho môn điền kinh chẳng hạn). Qua đó các bạn trẻ hiểu và biết chia sẻ cuộc sống của người khiếm thị. Đó là một giá trị nhân bản mà tôi ước mơ thể thao dành cho người khiếm thị sẽ được phổ biến.
Là một người khiếm thị sống ở đất nước đang phát triển, những ngành nghề mà chúng tôi có thể tự mình nuôi sống bản thân không thật sự nhiều. Từ khi học phổ thông, chúng tôi đã được nhà trường dạy song song nghề xoa bóp bấm huyệt cùng với chương trình học giáo khoa. Nhưng thực tế khác khi chúng tôi rời ghế nhà trường, nghề xoa bóp bấm huyệt mà chúng tôi mưu sinh không đơn thuần là công việc xoa bóp trị liệu, thư giãn hay phục hồi chức năng mà chúng tôi đã học trên lớp. Tôi không nói tất cả đều tồi tệ, nhưng những điều tồi tệ thật sự xảy ra không ít. Đã có những vị khách không tôn trọng chúng tôi và cả nhân cách của họ khi họ đến xoa bóp bấm huyệt. Những vị khách đã giáng một đòn vào nhu cầu kiếm tiền của những người khiếm thị khó khăn và buộc chúng tôi chọn lựa để phục vụ cho những nhu cầu trong bóng tối của họ. Điều này thật sự đáng buồn. Cá nhân tôi không có đủ sức mạnh để đẩy tất cả những nạn nhân đang làm xoa bóp bấm huyệt khỏi những móng vuốt tội lỗi ấy. Tôi chỉ có thể nói lên điều ước của mình mong rằng nghề xoa bóp bấm huyệt được hiểu biết đúng đắn, trong sáng, lòng bát ái, đạo đức giữa con người với con người sẽ cắt những móng vuốt kia đi để những người khiếm thị làm xoa bóp bấm huyệt cảm nhận được tôn trọng và được lao động chính đáng với ngành nghề của mình.
Ai cũng có một ước mơ trong cuộc đời mình. Cảm nhận được sự may mắn của bản thân, tôi không ước mơ điều gì cho riêng mình. Tôi mong rằng những điều tôi ước ao cho những người khiếm thị ở quê hương tôi sẽ thành hiện thực. Những điều ước đó không thể thực hiện được bởi một phép màu trong vài giây hay chỉ vài tiếng đếm. Nó chỉ được thực hiện khi nhận thức con người ngày một nâng cao.
Xin chân thành cảm ơn hội thi viết Onkyo đã cho tôi một cơ hội để nói lên những suy tư, mơ ước trong lòng.
Tin cũ hơn
Bài dự thi ONKYO của Trương Ngô Bích Trâm
Bài dự thi ONKYO của Đào Thị Lệ Xuân
Bài dự thi ONKYO của Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm
Bài dự thi ONKYO của Nguyễn Mạnh Hùng
Bài dự thi ONKYO của Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm
Bài dự thi ONKYO của Nguyễn Minh Tâm