Untitled Document

Trang Chủ >>> Thi ONKYO

Bài dự thi ONKYO của Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm


Có rất nhiều người đã hỏi tôi rằng : “Bị khiếm thị là một thiệt thòi to lớn, vậy bạn có ước mơ phép mầu sẽ đến để được sáng mắt không ?”


Họ và tên: Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm

Tuổi: 24

Giới tính: Nữ

Nghề nghiệp : Vận động viên

Tổ chức sinh hoạt : Hội Người mù Quận 11

Địa chỉ thường trú: Số 82 - đường 702 Hồng Bàng - phường 1 - quận 11 - TP. HCM

Chủ đề : Viết về người / tổ chức đã giúp bạn có được cuộc sống thành công hôm nay

“ĐÔI MẮT” THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI TÔI

Có rất nhiều người đã hỏi tôi rằng : “Bị khiếm thị là một thiệt thòi to lớn, vậy bạn có ước mơ phép mầu sẽ đến để được sáng mắt không ?” Tôi nghĩ rằng mình đã có niềm vui và hạnh phúc rồi. Vì dù bị khiếm thị, nhưng tôi được gia đình yêu thương. Đặc biệt là bên tôi luôn có một “đôi mắt” tuyệt vời. Chẳng những đồng hành trong nghề nghiệp mà “đôi mắt” ấy còn giúp tôi có được một cuộc sống thành công. Đó chính là anh Nguyễn Trung Hiếu.

Anh là một vận động viên chuyên nghiệp, tập luyện thường xuyên tại sân vận động Thống Nhất. Trong lúc tôi mới chập chững bước vào thể thao thì anh Hiếu đã đến đỉnh cao phong độ. Hồi ấy, nghe tiếng bước chân của các anh chị chạy nhanh thoăn thoắt mà tôi vô cùng thích thú và nghĩ mình phải cố gắng để chạy nhanh như vậy. Nhưng rồi những khi đau chân, mệt mỏi lại làm tôi nản chí mà không hoàn thành bài tập thầy giao. Thời gian đó, tôi chỉ tham gia thể thao theo phong trào của trường. Lúc bấy giờ, học sinh khiếm thị khá đông mà người hỗ trợ lại không nhiều. Nên những bạn không nhìn thấy hoàn toàn có người dẫn đường, còn cảm nhận được chút ánh sáng như tôi phải chạy một mình. Nhớ hôm trời về chiều, vì đã mệt, thiếu tập trung nên tôi va chạm vào khung thành ở sân cỏ. Từ đó, tôi nhút nhát hơn, không dám chạy hết sức mình. Cứ như vậy cho đến khi tôi đủ tuổi tham gia đại hội thể thao cấp khu vực Đông Nam Á. Nhận thấy tôi có tiềm năng có thể tiến xa, thầy đã động viên tôi phải nổ lực hơn để giành lấy cơ hội thi đấu với bạn bè quốc tế. Thầy cũng cố gắng tìm một người dẫn đường để hỗ trợ tôi trong quá trình tập luyện. Nhưng thật khó có ai chịu làm việc này vì nó rất vất vả. Vậy mà anh Hiếu đã nhiệt tình đồng ý làm người dẫn đường cho tôi. Tôi nghĩ mà ngưỡng mộ niềm đam mê của anh. Vì khi ấy, tuy đã qua rồi thời vinh quang rực rỡ nhưng anh vẫn muốn gắn bó với nghề nghiệp của mình. Làm một vận động viên dẫn đường không phải là công việc dễ dàng. Vì khi đồng hành trên đường chạy, người dẫn phải quên mình, cùng hòa nhịp vào bước chạy của vận động viên khiếm thị, sao cho cả hai như hình với bóng. Anh Hiếu đã làm được điều đó. Lúc mới làm quen với việc dẫn đường, anh đã gặp khó khăn vì tư thế xuất phát nghịch với tôi, kĩ thuật chạy của chúng tôi có phần khác nhau. Vì vậy, anh phải thay đổi tư thế xuất phát của mình bấy lâu nay. Đâu chỉ có thế, trong quá trình giúp tôi tập luyện, anh còn vất vả hơn. Vì trên đường chạy, chẳng những là đôi mắt để tôi được an toàn mà anh còn là người cổ động, nắn nót từng kĩ thuật cho tôi. Có nhiều lần phải thực hiện những bài tập sức bền, với những bước chạy nặng nề, tôi nghĩ mình đã kiệt sức rồi, không thể tiếp tục nữa và muốn dừng lại. Ngay khi nản chí như vậy, tôi nghe bên cạnh mình có tiếng thở mạnh, có nhịp chân thoăn thoắt, tôi cảm nhận có những giọt mồ hôi rơi và một giọng nói vang lên : “Cố lên em ! Hít thở đều ! Đánh tay đi ! Nâng cao đùi lên ! Còn 100 mét thôi !” Tôi chợt nhớ ra không chỉ riêng mình mệt mỏi. Dù áo đã ướt đẫm nhưng anh Hiếu vẫn đồng hành cùng tôi. Thế thì tại sao mình lại bỏ cuộc ? Nghĩ vậy nên tôi không cho phép mình dừng khi chưa hoàn thành bài tập. Ngoài những giờ giúp tôi trên đường chạy, anh Hiếu còn là một người anh, chia sẻ cùng tôi những vui buồn trong cuộc sống. Anh thường kể cho tôi nghe quá trình tập luyện gian nan và những chiến thắng huy hoàng của anh. Điều đó giúp tôi hiểu sâu sắc câu “có công mày sắc có ngày nên kim”. Và tôi đã hạ quyết tâm vượt ngưỡng từng ngày trong mỗi bài tập. Rồi mọi cố gắng trong suốt thời gian qua đã không uổng phí khi thầy báo tin tôi chính thức trở thành vận động viên trong đội tuyển Việt Nam. Lúc ấy, tôi mừng lắm ! Vì mình bắt đầu trở thành vận động viên khiếm thị chuyên nghiệp. Từ đó, con đường tôi đi lại gian khó hơn. Tôi phải xa nhà để chuyên tâm rèn luyện. Ba tháng dài kìm nén nỗi nhớ gia đình, mặc kệ nắng mưa, mỗi ngày hai buổi, tôi luôn có mặt ở sân vận động. Nhưng tôi vẫn không vất vả một mình. Vào thời gian đó, dù bận rộn, anh Hiếu vẫn là người kề vai sát cánh với tôi. Mỗi ngày, anh đều chạy xe hơn 40 phút, từ nhà đến trường Đại học thể dục thể thao để hỗ trợ tôi. Trước đây, tôi từng nghĩ ngoài cha mẹ ra thì không có ai giúp đỡ mình vô điều kiện. Thế mà từ khi là người dẫn đường cho tôi, anh chẳng yêu cầu gì ngoại trừ “cố gắng lên em”. Nhờ có anh mà tôi không còn là cô gái khiếm thị mỏng manh và trở nên một nữ vận động viên kiêng gan, bền chí. Mùa thi đấu cũng đến, bao nỗi lo lắng, hồi hộp xen lẫn niềm hy vọng theo tôi đến đất khách quê người. Ở nơi đó, tôi còn học được từ anh Hiếu cách giao tiếp với các vận động viên nước bạn. Rồi khi thời tiết thay đổi, anh hướng dẫn và dặn dò tôi tự chăm sóc bản thân. Tôi thật sự cảm thấy ấm áp như được ở cạnh người thân trong gia đình. Nhiều chuyến đi đã qua, dù có những thành công xen vài lần thất bại nhưng đều để lại trong tôi bao kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ lắm những lần vỡ òa hạnh phúc, không giấu được nụ cười khi cùng anh tiến lên bục nhận huy chương. Khi được phỏng vấn, anh trả lời rằng : “Mình chỉ là đôi mắt của em, kết quả đạt được do sự nỗ lực của em và chiến thắng của em cũng là niềm vui của mình.” Tôi nghe mà cảm động và thấy thương anh quá ! Làm sao quên được những lần thất bại, tôi chạy không đạt thành tích tốt, bị anh chê. Nhưng rồi anh lại vỗ vai tôi : “Thôi không sao, mình cố gắng ở kỳ thi sau.” Từ một cô gái nhút nhát, thiếu kiên nhẫn, tôi đã trở nên mạnh dạn, tự tin và có phong cách chuyên nghiệp hơn khi làm việc cùng anh. Dù hiện nay, anh đã lập gia đình và bề bộn với cuộc sống hơn nhưng anh vẫn dõi theo tôi trên mọi quãng đường tập luyện và thi đấu.

Cảm ơn anh ! Vì nhờ có anh mà tôi có thể thành một vận động viên thực sự, góp phần sức nhỏ vào kinh tế gia đình. Anh đã cho tôi biết rằng trong xã hội hôm nay vẫn còn trái tim nhân ái và lòng nhiệt thành. Giờ đây, tôi hoàn toàn tin tưởng thành công sẽ đến với những người không từ bỏ. Nối bước theo anh, niềm đam mê thể thao vẫn bùng cháy trong tôi.